Thời kỳ trị vì sau Lưu_Thông

Tháng 11 ÂL, Lưu Thông lập Tấn vương Lưu Xán làm tướng quốc, đại thiền vu. Điều này khiến cho em trai ông là Thái đệ Lý Nghệ trở nên sợ hãi trong thâm tâm, những người kết giao với Thái đệ đề xuất vào năm 315 về việc tiến hành lật đổ Lưu Thông. Lưu Nghệ tuy vậy không đồng ý kế hoạch này, song Đông cung xá nhân Tuân Dụ cáo việc này với Lưu Thông. Lưu Thông cho quản thúc Lưu Nghệ tại Đông cung.[6]

Cũng trong năm 315, Lưu Thông nạp hai người con gái của Trung hộ quân Cận Chuẩn (靳準) là Cận Nguyệt Quang (靳月光) và Cận Nguyệt Hoa (靳月華) vào cung, lập Cận Nguyệt Quang làm Thượng hoàng hậu, lập Cận Nguyệt Hoa làm Hữu hoàng hậu, lập Lưu quý phi làm Tả hoàng hậu. Tả tư lệ Trần Nguyên Đạt hết sức khuyến gián, nói rằng việc cùng một lúc lập ba hoàng hậu là không đúng phép tắc, tuy nhiên Lưu Thông không nghe theo, chuyển Quang Đạt làm Hữu quang lộc đại phu, trên thực tế là đoạt quyền của Quang Đạt. Sau đó, do quần thần kiến nghị, Lưu Thông cho Quang Đạt làm Ngự sử đại phu, Nghi đồng tam ty. Thượng hoàng hậu Cận Nguyệt Quang có hành vi ô uế dâm loạn, bị Nguyên Đạt tấu với Lưu Thông, Lưu Thông bất đắc dĩ phế bà, bà hổ thẹn mà tự sát, do đó Lưu Thông hận Trần Nguyên Đạt.[6]

Tháng 9 ÂL cùng năm, nhằm xoa dịu Thạch Lặc, Lưu Thông sai người ban cho Thạch Lặc cung và tên, sách mệnh Thạch Lặc là Thiểm Đông bá, được quyền tự chinh phạt, phong chức thứ sử, tướng quân, thủ tể.[6]

Khoảng thời gian này, Lưu Thông trở nên cực kỳ tin tưởng vào các hoạn quan là Trung thường thị Vương Thẩm (王沈), Tuyên Hoài (宣懷), và Trung cung bộc xạ Quách Y (郭猗). Lưu Thông sa vào tiệc tùng hậu cung, có khi ba ngày chưa tỉnh, thậm chí cả trăm ngày không ra, từ khi nghỉ đông không trị lý việc triều chính, ủy quyền cho Lưu Xán, riêng việc xử tử và trừ quan thì mới cho bọn Vương Thẩm vào báo. Điều này khiến cho bọn Vương Thẩm có thể tự do hành sự theo ý riêng, họ trở nên cực kỳ tham nhũng và phối hợp cùng Cận Chuẩn. Một số triều thần dám lên tiếng chống lại họ đã bị xử tử. Cả Quách Y và Cận Chuẩn đều có thù oán với Thái đệ Lý Nghệ, và họ đến thuyết phục Lưu Xán tin rằng Thái đệ Lý Nghệ có ý muốn hạ bệ Lưu Thông và giết Lưu Xán, trình cho Lưu Xán những bằng chứng giả. Lưu Xán do vậy bắt đầu âm mưu loại bỏ thúc phụ.[6]

Vào mùa thu năm 316, Lưu Thông cử Lưu Diệu đi đánh Trường An, Lưu Diệu đã chiến thắng và bắt được Tấn Mẫn Đế, giải đến Bình Dương, chấm dứt triều đại được gọi là Tây Tấn. Lưu Thông cho Mẫn Đế làm Quang lộc đại phu, phong tước Hoài An hầu; lập Lưu Diệu làm Tần vương, đại đô đốc, Đốc Thiểm Tây chư quân sự, Thái tể.[6]

Tháng 12 ÂL, Thạch Lặc đánh bại Lưu Côn và chiếm lấy Tịnh châu của Tấn. Điều này đã chấm dứt mối đe dọa cuối cùng đối với Hán Triệu, quyền lực của Thạch Lặc trở nên mạnh mẽ hơn và ông trở nên độc lập với Lưu Thông.

Xuân năm Đinh Sửu (317), Lưu Xán báo sai cho Thái đệ Lý Nghệ rằng Bình Dương bị tấn công. Sau đó, Lưu Xán báo với cha rằng Lưu Nghệ đã sẵn sàng tấn công và khi sứ giả của Lưu Thông thấy quân của các thân tín của thái đệ, họ tin vào những cáo buộc của Lưu Xán và báo cáo lại Lưu Thông. Lưu Xán sau đó tiếp tục thẩm vấn các lãnh đạo người ĐêKhương là thuộc cấp của Thái tử Lý Nghệ bằng hình thức tra tấn, các lãnh đạo người Đê và Khương bị ép phải thừa nhận về việc này. Thuộc hạ và quân của Thái tử Lý Nghệ bị tàn sát, ước tính lên tới 15.000 người còn bản thân Thái đệ Lý Nghệ bị phế truất và bị Cận Chuẩn ám sát. Khi các bộ lạc người Đê và Khương nổi dậy để trả thù cho lãnh đạo của họ, Lưu Thông cử Cận Chuẩn đến đàn áp, và Cận giành thắng lợi. Vào mùa thu năm 317, Lưu Thông lập Lưu Xán làm hoàng thái tử, nhiếp triều chính chư cũ.[7]

Tháng 12 ÂL, Lưu Thông thiết đãi quần thần ở Quang Cực điện, bắt cựu hoàng Tấn Mẫn Đế phải rót rượu rửa chén như Hoài Đế trước kia, cựu thần Tấn thấy vậy nhiều người khóc thất thanh. Cũng vào khoảng thời gian này, có một số cuộc nổi dậy chống lại Hán, từng tuyên bố muốn bắt Lưu Xán để đổi lấy Tấn Mẫn Đế. Lưu Xán do vậy đề nghị giết Tấn Mẫn Đế, Lưu Thông đồng ý.[7]

Mùa hè năm 318, hoàng cung ở Bình Dương gặp nạn hỏa hoạn, khiến 21 người chết, bao gồm con trai của Lưu Thông là Cối Kê vương Lưu Khang (劉康), Lưu Thông đau buồn đến mức ảnh hưởng đến sức khỏe.[8] Dưỡng nữ của Trung thường thị Vương Thẩm có nhan sắc, được Lưu Thông lập làm Tả hoàng hậu. Sau đó, Lưu Thông lại lập dưỡng nữ của Tuyên Hoài làm Trung hoàng hậu. Khi nằm bệnh, Lưu Thông triệu Lưu Diệu và Thạch Lặc về kinh để phụ chính, song cả hai đều từ chối. Ngày Quý Hợi (19) tháng 7 (31 tháng 8), Lưu Thông mất, Thái tử Lưu Xán sau đó tức vị. Lưu Thông được táng ở Tuyên Quang lăng, thụy hiệu là Chiêu Vũ hoàng đế, miếu hiệu là Liệt Tông.[7]

Tuy nhiên, trong cùng năm, Lưu Xán bị Cận Chuẩn sát hại, Cận Chuẩn sau đó còn thảm sát cả hoàng tộc. Lưu Diệu và Thạch Lặc đánh bại Cận Chuẩn và Lưu Diệu lên ngôi hoàng đế, song Lưu Diệu và Thạch Lặc sau đó trở nên bất hòa, Thạch Lặc tuyên bố độc lập và lập quốc Hậu Triệu. Đế quốc mà Lưu Thông xây dựng nên bị phân làm hai nửa.